Một phụ huynh từng chia sẻ lý do cho con đi học mẫu giáo sớm: Khi nghỉ sinh ở nhà, cảnh em ngại nhất là sáng sáng, các bác giúp việc trông trẻ con chơi ở sân. Bọn trẻ con tranh nhau đồ chơi, và nhận được các câu như: “sao mà HƯ thế”, “con PHẢI cho bạn chơi với chứ”, “thôi, rồi bác mua cho con cái khác” (mà chắc chắn là không bao giờ mua)… kết thúc bằng việc mỗi bác phải giằng giật để lôi một đứa đang la khóc giãy giụa mang về nhà.^
Trong nuôi dạy trẻ ở Việt Nam, có một thói quen phổ biến nữa, đó là “nhường” cho trẻ phần ngon nhất (cái đùi gà…). Lâu dần trẻ có suy nghĩ hiển nhiên cái ngon nhất phải thuộc về mình. Từ đó sinh ra câu chuyện khi 6 đứa trẻ ngồi một mâm với 2 cái đùi gà, một cuộc chiến la hét nổ ra và bố mẹ không nhiều thì ít cũng “muối mặt”.
Cả hai thái cực: Phê phán tính sở hữu của trẻ hay cho phép trẻ sở hữu thái quá đều dẫn đến những hệ quả không tốt. Sau đây, Trường mầm non Hà anh xin dịch tóm lược một số nội dung chia sẻ của chuyên gia tâm lý Susanne Ayers Denham trên trang babycenter.com.
⭐
“Khi một đứa trẻ chập chững từ chối chia sẻ chiếc xe tải yêu thích, bé không thực sự ích kỷ - bé chỉ hành động theo tâm lý lứa tuổi. Chia sẻ là một kỹ năng quan trọng cần được xây dựng trong nhiều năm. Trong khi chờ đợi,quá trình ấy hoàn thành, cuộc đấu tranh về đồ chơi sẽ diễn ra hàng ngày. Thực sự không hề vui khi thấy bé cầm đồ chơi và hét lên "Của con!". Nhưng nếu bé chơi với những đứa trẻ khác, bé sẽ không phải là người duy nhất làm điều đó.
⭐
Có một nguyên tắc quan trọng: Trẻ em học bằng cách bắt chước những gì chúng nhìn thấy. Do đó, tận dụng mọi cơ hội để cho con bạn biết cách chia sẻ. Cho bé một miếng bánh mà bạn đang ăn hoặc cho bé cơ hội để giúp đỡ bạn trang trí bánh kem. Khi bạn làm, sử dụng từ "chia sẻ" để mô tả hành động. ("Mẹ đang ăn cái bánh ngon tuyệt và mẹ rất muốn CHIA SẺ nó với con. Con có ăn một chút không?"). Khi bé biết chia sẻ, khen ngợi những nỗ lực của bé. Từng chút một, bé nhận được sự củng cố tích cực và cảm thấy việc lặp lại những hành động chia sẻ dường như làm cho bố mẹ vui. Không bao lâu, bé sẽ bắt đầu chia sẻ bởi vì điều đó đến tự nhiên.
⭐⭐
Một cách để tránh những cơn thịnh nộ về chia sẻ đồ chơi là để bé giấu một số đồ chơi quý giá nhất trước khi bạn bè của mình đến. Nói với bé những đồ chơi này là những thứ bé không cần phải chia sẻ, sau đó cất chúng đi. Bên cạnh đó, hãy nói cho con của bạn biết rằng những thứ còn lại là dành cho tất cả mọi người.
Nếu đồ chơi dường như kích động chiến tranh kéo dài, bạn có thể mệt mỏi và muốn tránh xa các cuộc cãi vã, hãy thu hút bé và các bạn tham gia các hoạt động như làm bánh quy giả vờ làm mẫu đất sét hoặc vẽ tranh. Bằng cách đó, các bé có thể tham gia vào các hoạt động vui nhộn giống nhau mà không cần phải chia sẻ tài sản.
⭐
Không bao giờ nên trừng phạt một đứa trẻ, đặc biệt là một trong tuổi này, vì không chia sẻ. Bạn có thể cho bé biết bạn đang thất vọng và buồn khi bé không chia sẻ, nhưng chỉ vậy thôi. Đừng làm cho mọi việc nghiêm trọng quá mức cần thiết. Một số trong những cuộc tranh giành nên được bỏ qua khi bạn không muốn “chia sẻ” trở thành một chiến trận giữa cha mẹ và con cái. Hãy để bé làm việc này với những đứa trẻ khác. Khi bé không chia sẻ, bạn bè của bé sẽ cho bé biết rằng họ không vui như thế nào, và bé sẽ học rằng đôi khi cần phải “tử tế” để trở thành một người bạn tốt!
⭐
Như vậy:
- Tính sở hữu là bản tính bẩm sinh, bố mẹ nên chấp nhận, và việc dạy dỗ trẻ chia sẻ cần sự kiên trì và nhẫn nại đáng ngạc nhiên (của bố mẹ!)
- Đưa ra các giải pháp (giấu đồ chơi), bé không làm theo thì sẽ tuân theo luật chung (tự giải quyết khi tranh giành với bạn)
- Đừng can thiệp quá nhiều, có thể lờ đi khi trẻ tranh nhau, trẻ có thể tự giải quyết với nhau và học hỏi được qua điều đó!