Mỗi kì nghỉ hè, bố mẹ có con từ bậc tiểu học lại đau đầu vì không thể kiểm soát việc sử dụng smartphone và TV (screen time) khi con ở nhà một mình hay với người giúp việc. Thực tế, việc xây dựng thói quen sử dụng công nghệ một cách lành mạnh của trẻ phải được hình thành từ lứa tuổi bé hơn, lứa tuổi mầm non.
Khi chọn trường mầm non cho con, nếu trong lớp học có TV, mặc dù trông có vẻ hiện đại, nhưng phụ huynh nên hỏi kỹ Ban giám hiệu về các nguyên tắc sử dụng TV ở trường. Tại trường Hà Anh, giáo viên có máy chiếu cơ động để phục vụ bài giảng khi cần thiết, nhưng đa số thời gian bé học thông qua vận động và tương tác với cô giáo, bạn bè.
Mặc dù cách dễ dàng nhất để giữ một đứa trẻ ngồi yên là bật hoạt hình hoặc đưa cho bé một chiếc điện thoại thông minh, nhưng gia đình hãy cố gắng phối hợp với nhà trường để giữ cho bé thói quen dùng các thiết bị công nghệ một cách lành mạnh. Dưới đây là một số gợi ý được tổng hợp từ các nguồn có uy tín (babycenter.com và một số sách nước ngoài) để bố mẹ tham khảo
🔑 Làm gương: Đó là nguyên tắc quan trọng nhất trong mọi phương pháp giáo dục. Nếu bố/mẹ cứ rảnh tay là với lấy chiếc điện thoại thì không cớ gì bé không học theo. Nội dung này có lẽ không phải phân tích nhiều nữa 😊
🔑 Không sử dụng như một “phần thưởng”, thậm chí là “mồi nhử”: Câu chuyện “ăn đi rồi ba cho chơi điện tử” hoặc con dán mắt xem quảng cáo mẹ tranh thủ đút vài thìa có lẽ phải làm hẳn một chuyên đề riêng. Vì đó là một sai lầm phổ biến đến mức KINH ĐIỂN trong nuôi dạy trẻ ở Việt Nam (bố/mẹ muốn trao đổi kỹ hơn vấn đề này xin để lại tin nhắn cho trường).
🔑 Đừng để trong đó quá nhiều bí mật và điều thú vị khiến bé phải tò mò:
Khi bé có những sự kiện trong đời, thay vì chỉ lưu ảnh trên điện thoại, bố/mẹ hãy in và dán vào album, kèm mẩu giấy trắng để ghi chú, nếu bé đã biết nói, hãy hỏi bé điều gì trong chuyến đi làm bé thích nhất và ghi lại. Đến khi bé trở thành những cô cậu ẩm ương, sẽ có những lúc bố mẹ cảm thấy bất lực, không thể nói chuyện với “chúng”, thì những quyển album sẽ là những trung gian hòa giải hiệu quả.
🔑 Không cấm đoán, mà dạy trẻ screen time có kiểm soát:
- Ai cũng biết, càng cấm càng tò mò (người lớn còn vậy!). Mặt khác, các thiết bị kỹ thuật số là sự tiến bộ của nhân loại, trẻ chắc chắn phải sử dụng thành thạo khi lớn lên, nên không cần thiết phải thể hiện sự phản đối chúng quá gay gắt.
- Rất nhiều gia đình có thói quen về là bật TV cho “vui cửa vui nhà”, dù không ai xem cả. Đừng bật TV/cầm điện thoại một cách vô thức, vì đó chính là tác nhân biến chúng thành “vật ăn hại”.
- Lập thời gian và không gian cho screen time. Thiết lập các khu vực “không thiết bị số” như là phòng ngủ hoặc bàn ăn, nơi không ai được phép có ngoại lệ. Gỡ bỏ các trò chơi vô bổ, cài đặt các chương trình học tiếng Anh, học với con và đặt các câu hỏi…
- Các chuyên gia khuyến cáo phải đợi trẻ được ít nhất 18 tháng mới cho tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Ban đầu, thậm chí là vài năm đầu đời của bé, bố mẹ phải screen time cùng với trẻ.
🔑 Những vật thay thế:
Thay thế “Bộ sưu tập” trong điện thoại bằng cuốn album cho trẻ như ví dụ ở trên. Mua những quyển sách kiến thức bằng hình ảnh sinh động (bộ sách Khổng lồ là một gợi ý hay). Nuôi động vật, tạo một góc nhỏ cây cối cho trẻ chăm sóc, một bức tường trên sân thượng để trẻ thỏa sức vẩy màu nước…
➡ Nhà trường hiểu rằng khi ở với gia đình, trẻ có xu hướng “ăn vạ” và khóc lóc dai hơn khi ở lớp. Tuy nhiên, “ai chịu được tiếng khóc sẽ làm chủ cuộc chơi”. Trẻ sẽ không khóc mãi nếu biết nó không có tác dụng. Vì vậy, hãy kiên trì với các nguyên tắc của bố mẹ (tất nhiên các nguyên tắc phải hợp lý trên cơ sở khoa học), bé sẽ hiểu dần theo thời gian!
P/s: Đi học bận rộn thế này thì xem hoạt hình vào lúc nào nữa!